Yêu thôi, đừng gắn mác!

1. Dịp cuối tuần cách đây không lâu, tôi có xem một phim tình cảm pha chút hài hước của Mỹ – nội dung xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa chàng trai Tom Hansen và cô gái đáng yêu Summer Finn, nhưng không hẳn là kể về một tình yêu thật sự. Ngoài cách sử dụng yếu tố thời gian linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo độ logic cho toàn mạch phim – thì tôi còn khá ưng ý triết lí, phong cách sống của những nhân vật nơi đấy: họ đã bắt đầu quen nhau như thế nào, bằng cách gì để đạt đến mức độ suy nghĩ "You make my dreams" khi đang bơi trong một mối quan hệ, và cảm xúc đôi bên phản ứng dữ dội ra sao khi những vết nứt lớn dần "At last"…

2. Hôm nay là 23/03, là 9 ngày sau của Valentine Trắng, và là Lễ Tình Nhân 14/2 đã bỏ lại xa hơn khá nhiều nếu lấy mốc thời gian 1 tháng. Với tôi, những dịp lễ trên chẳng khác mấy so với ngày thường, có khi sẽ lại yên lành hơn, vì phải tranh thủ về sớm, tránh tình trạng kẹt xe giờ tan tầm. Nhưng cũng thiệt lạ là đôi khi, dù chẳng có mấy yếu tố nào tác động đến, tôi vẫn thấy tình yêu là một đề tài khá thú vị khi moi ra nghiền ngẫm. Tôi có thể hình dung ra khung cảnh gia đình mỗi chiều tôi làm về, cơm nước xong xuôi, cùng con học bài, và đưa con vào giấc ngủ. Cũng có khi là vẽ nên trong đầu những phút giây lãng mạn của đôi lứa yêu nhau tại một khung cảnh chỉ có bãi biển xanh trong, cát vàng, mây trắng lờ đờ trôi – chỉ có họ, không mang nặng ưu tư, sầu nghĩ, đơn giản như y rằng "thế giới này chỉ có anh và em".

Thường kết thúc những suy nghĩ viển vông đó, tôi sẽ đặt một sự nghi vấn rằng, liệu họ có bao giờ hỏi nhau rằng việc mình đang làm là gì không. Dĩ nhiên tôi cũng tự trả lời cho mình rằng, không, hoàn toàn không nên khi một trong số họ tìm cách gắn mác lên mối quan hệ đáng yêu đấy.

Chẳng phải bạn đang hạnh phúc khi cùng nhau đi xem phim, chẳng phải cũng có những nhớ nhung đến quay quắt mỗi khi người còn lại đột nhiên “mất tích”? Để rồi chỉ khi cố gắng mở miệng và hỏi rằng "Em có yêu anh không?" hay "Anh đang muốn một mối quan hệ hoàn toàn nghiêm túc với em chứ?" thì cũng là tự họ viết dấu chấm hết cho những điều ngọt ngào ấy.

Có thể lí do cá nhân rằng, tôi cần một cái gì đó chắc chắn, nên sẽ chẳng sai khi tôi hỏi cô ấy có nhớ tôi nhiều không – "Please, please, please, let me get what I want". Tốt, sẽ ổn thôi nếu cô ấy thấy thoải mái với câu hỏi đó. Nhưng còn những trường hợp bạn yêu phải một người không ưa mấy sự ràng buộc, chẳng hạn "She's like the wind" thì sao? Xác suất xảy ra không hề thấp nhé, và lẽ thường là rủi ro dẫn đến trường hợp khó xử cho cả hai sẽ càng cao hơn.

Và bạn cũng đã bao giờ lường trước câu trả lời khi đặt những câu hỏi kiểu vậy chưa? Liệu câu trả lời là có, bạn có yêu cô ấy nhiều hơn không? Và nếu là câu trả lời không như mong muốn, bạn sẽ ngừng ngay mối quan hệ với anh ấy? Mỗi chúng ta thi thoảng có đôi lần như vậy, chỉ để tìm sự thỏa đáng cho một điều trước mắt, nhưng lại không tính đến hậu quả về lâu về dài.

3. Trở lại câu chuyện của Tom Hansen trong "500 days of Summer" – cũng đơn giản là anh tự hỏi, không rõ Summer có xem mình như một người bạn trai không, và anh đem cục thắc mắc to đùng đó đến trước mặt Summer. Bùm, tiêu tan ảo mộng về những tháng ngày tươi đẹp, tiếp đó là chuỗi dài của sự đau khổ.

Sẽ chẳng thể lí giài được nếu như một người không muốn là bạn gái của ai đó, và rồi đột nhiên họ lại là vợ của ai đó. Cũng sẽ là những giây phút khó khăn, để bạn chợt ngộ ra rằng, không thể gán ý nghĩa vĩ đại cho một sự kiện bình thường; Summer không phải là tất cả mà số phận dành cho Tom, sẽ còn có một cô nàng Autumn, hay Winter nào đó nếu như anh ta biết tự đứng lên sau mỗi cú vấp ngã. Sẽ luôn có sự công bằng như thế!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *