Tháng Bảy kể chuyện đi chùa

 

Tui may mắn hơn nhiều bạn là được gia đình quản thúc khá nghiêm từ thưở bé. Bởi vậy mỗi khi cả nhà dùng bữa cơm xong, ngồi nhâm nhi chén trà xem thời sự, hai ông bà vẫn thường kể về một thằng con trai hiếu động, hay nghịch hay ngợm tèm hem từ đầu đến chân. Nhiều khi tui cũng không tin đó là ấu thơ của mình.

Ngày nhỏ mức độ đi chùa của tui hơi bị dữ à! Tui còn nhớ, cứ mỗi hôm ba tui đi trực đêm ở cơ quan không về nhà, mẹ và tui sẽ vào ngoại ăn cơm và tới gần 10h mới chở tui về nhà ngủ. Tui không thể qua đêm ở nhà người lạ, giờ thì dịu hơn phần nào nhưng cũng thao láo đến 1-2h thì mới chìm vào mộng mị. Quay trở lại câu chuyện ngày nhỏ, thường 8h tối thì bà ngoại sẽ bảo cậu tui bỏ một gà-mên đầy cơm và thức ăn chay để đem lên chùa cho thầy. Tui chẳng rõ là việc này có diễn ra đều đặn vào mỗi tối hay không, nhưng dịp nào vào ngoại tui cũng xin lẽo đẽo đi chơi cùng, Âu cũng có thể nói là tui đã giác ngộ từ những ngày đầu của cuộc đời.

Ngôi chùa mà tui sắp nhắc đến chắc nhiều bạn chưa từng nghe đến (nhưng có khi ba mẹ bạn lại biết rõ), chùa Lâm Tỳ Ni. Để tui thêm một gợi ý khác nhé, thầy Viên Thức trong bộ phim Dốc tình, bạn đã mường tượng ra được gì chưa? Nếu vẫn ngờ ngợ thì thôi nghe tui kể tiếp vậy, vì chuyện chùa nào do ai trụ trì cũng không phải là vấn đề trọng yếu 🙂 Tiếp ha, đường đi từ nhà ngoại tui lên chùa khá là xa, đường thì vắng mà lại lởm chởm đá cuội, không có đèn vàng sáng trưng như giờ nên thú thiệt là cũng đáng sợ lắm. Ngặt nỗi con nít đứa nào cũng ngây thơ như ai, thấy ra khỏi nhà là xin đi theo, chứ hông phải lười vận động như người lớn chúng ta bây giờ. Tui nhớ mấy lần đó cậu bảo tui vừa đi vừa hát để không cảm thấy đường xa và mỏi chân, thế mà lại hiệu nghiệm! Viết đến đây thì tui cảm nhận được hai điều giản đơn rằng, âm nhạc không thể biến mất khỏi cuộc sống này và buớc đi trong cuộc sống mà có người đồng hành, bao giờ ta cũng thấy cảm nhận được nhiều niềm vui hơn, và những thử thách hình như sẽ bé nhỏ đi nhiều lắm!

Đi đến cổng chùa là cả một nghệ thuật, còn vào được trong chùa thì đúng là một kỳ tích. Sự là chùa khá rộng, mà lại có mỗi một thầy trụ trì nên phải nuôi cả một đàn chó. Nhà ngoại tui cũng nuôi chó. Và cứ mỗi lứa thường gửi lên chùa một con để mốt lớn còn giữ chùa. Mà kể cũng lạ, chó nuôi ở chùa, ăn cơm phảng phất mùi nhan hay sao mà con nào cũng lớn phổng, con nào con nấy trông như chó bec-giê của mấy bạn đặc vụ FBI. May là chúng đã được nhốt và xích kĩ càng, vỉ bảo đảm với bạn, nghe tiếng sủa của chúng mà không rõ phát ra từ đâu trong màn đêm sẫm tối cũng đủ khiến người thiện lương khiếp vía, khiến chi là mấy bạn đạo chích!

Thế là sau lớp cổng đầu tiên, cậu tui phải í ới gọi thầy ra mở lớp cửa vững chãi thứ hai. Qua được rồi là những con đường vòng vòng mờ ảo. Hổng rõ là khi bé tui có lén xem nhiều phim kinh dị hông, mà lúc đó thằng tui – từ tâm trạng đang vui (sau khi hát hò) lại nhanh chóng rụt rè, lo sợ. Tui khi nớ mơ hồ một nỗi lo sẽ đi lạc trong mê cung đó lúc nào không hay, dù tay đang bấu lấy áo cậu thật chặt. Nghĩ lại rồi thấy con nít cũng thú vị quá ha, chung quy từ tấm bé ai cũng có những nỗi sợ đáng yêu mà người lớn không thể hiểu bằng hết được.

Đi mãi rồi cũng đến, phía trước mắt tui là phòng của thầy, nơi được thắp sáng bởi ánh đèn dầu leo lắt. Xung quanh căn phòng treo đầy tranh, mà đa số toàn bằng mực tàu đen, rất khó hiểu. Con nít trong tui lúc đó khá tò mò, nên mắt cứ dán mãi vào những tấm giấy rô-ki trên tường. Thầy Viên Thức hỏi tui, thích tấm nào thầy tặng đem về nhà. Các bạn nghĩ tui lúc đó thế nào? Riêng phần mình, tui sợ đến mức chỉ nói đuợc hai chữ "Dạ không", cũng bởi lẽ hồi nhỏ tui được mẹ dặn, người lạ hỏi cho gì cũng không được nhận. Uổng ghê mấy bạn há!

Đưa gà-mên thức ăn tối cho thầy xong, tui và cậu đi về. Có vài lần thầy lấy dây nylon cột tranh tặng cho tui đem về mà ngắm. Tui không dám cầm lấy, nên cậu phải bỏ vào giỏ đem về. Đường đi xuống nhà ngoại có cảm giác như không còn xa như khi mới bắt đầu khởi hành, lòng tui cũng thấy hớn hở trở lại. Vào nhà rồi, tui tíu tít kể đủ thứ, xong giờ mới đủ dạn để cầm tranh thầy tặng mà khoe ngoại, khoe mẹ. Tiếc là mẹ không cho tui cầm về, vì nhà tui nhỏ, không có chỗ treo, với lại mẹ bảo "Con còn bé xíu, biết gì đâu mà tranh với ảnh". Giờ lớn rồi tui mới thấy mẹ tui dại, vì tranh của thầy Viên Thức, bèo lắm (ý là quẹt quẹt vài đường) cũng là 5 đến 10 đồng (USD).

Đó chính là những ngày đầu tiên tui bén duyên với chùa chiềng. Theo dần năm tháng, tui vẫn hay giữ thói quen này cho bản thân, nhưng không phải là đem cơm cho thầy nữa, mà là dành một ngày cuối tuần tìm đến sự thảnh thơi cho tâm hồn giữa bộn bề nhịp nhộn. Càng lớn, tui càng hiểu rằng, tâm mình có tĩnh thì làm mọi việc mới xuôi đầu lọt đuôi được.

Ầy, giờ cũng đã khuya, đêm cũng đã đen như mực, tui phải đi ngủ để sáng bảnh mắt còn đón đầu nhiều việc mang tên hệ trọng. Chúc cho mấy bạn đã ráng dõi theo đến đây những ngày tháng 7 đẹp tươi, không như dân gian vẫn buột miệng kháo nhau "tháng bảy – tháng của cô hồn, âm binh" nhé!

P.S. À, mà ảnh minh họa hông phải của chùa Lâm Tỳ Ni đâu, tui cố tình làm vậy đấy, không biết nãy giờ có bạn nào thắc mắc gì hông ha?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *