Nửa ngày im ắng, với phần đông của các bạn sẽ là khi đêm xuống, chân thẳng cẳng không cong mà đánh một giấc đến sáng. Mà phải bảo đảm điều kiện không có ai xung quanh ngáy hay nói mớ nhé, chứ nếu không thì sẽ là nửa ngày cay đắng đó!
Với mình thì khác, mỗi lần cần tìm đến nửa ngày im ắng thì sẽ vào những thời điểm rất khác nhau. Như hôm qua chẳng hạn, cái nửa im ắng đó bắt đầu từ chiều, sau khi chợp mắt dăm ba chục phút, nói chuyện nhát gừng với bạn bè, đi qua đi lại, chạy tới chạy lui, uống sữa tu nước. Và rồi sẽ đến phân đoạn của nửa ngày đi thong dong.
Nhưng rồi cũng có bận, tìm hoài, ngó mãi chẳng thấy nửa ngày im ắng đâu. Nhiều khi đồng nghiệp bị stress quá, tìm mình để giải khuây. Mình cũng hiểu, buồn & hậm hực mà để trong lòng thì trưa sẽ khó nuốt cơm lắm, nên cũng vui vẻ tiếp nhận. Cũng may đời còn có em, khi đêm về nhảy vào lý sự dăm ba câu, để rồi chợt ngó lại đồng hồ, đã sang ngày mới rồi. Chợt hỏi đùa, em ơi hôm này ngày bao nhiêu rồi nhỉ!
Nửa ngày im ắng, như đã nói ở trên, chẳng phải muốn mà tạo ra được. Nó đến và đi vội vã (vì chỉ có nửa ngày mà); nhiều khi sống tích cực thì sẽ nhận ra khoảng thời gian đó một cách dễ dàng. Ngược lại, bi quan nhiều thì thấy nửa ngày sóng gió, và nửa còn lại toàn bão bùng. Khổ thế cơ đấy!
Mình có từng đọc được một câu danh ngôn của Flaubert như thế này, "hạnh phúc là một kẻ chủ nợ, sẽ cho bạn mượn 15' vui vẻ nhưng cũng đồng thời bắt bạn trả 15' bất hạnh". Bởi thế nên mình luôn tin rằng, việc vượt qua "chướng ngại vật" của ngày để tìm đến và tận hưởng nửa im ắng sẽ chẳng khó khăn mấy, quan trọng là mình có thể cân bằng giữa mọi vấn đề từ lý trí đến cảm xúc như thế nào cho phù hợp mà thôi 🙂
Kéo một hơi thở dài và hỏi, nửa ngày im ắng trong hôm nay của tui đã bắt đầu chưa?!